Gần trưa, khi những người nhà bệnh nhân khác đang rục rịch chuẩn bị đi mua cơm thì chị Cháng Thị Dèn (người dân tộc Dao đỏ) vẫn cứ đứng nép mình sau cánh cửa phòng bệnh để khóc. Nức nở và tủi thân, chị không dám nhìn vào giường bệnh của chồng bởi anh cũng đang gục đầu vào gối với đôi mắt đỏ hoe. Bệnh nặng và đã được chỉ định phẫu thuật nhưng cũng vì không có tiền nên đã hơn một lần anh trì hoãn. Lần này đến viện thì bệnh đã nặng lắm rồi, về nhà là chắc chắn phải chết, bản thân anh hiểu hơn ai hết.


“Năm trước anh có đến bệnh viện E và được các bác sĩ cho biết phải mổ tim nhưng vì không có tiền nên xin về nhà và cầm cự được cho đến bây giờ. Lần này phải chuyển cấp cứu lên trên đây, bác sĩ cho biết tình trạng của anh đã nặng quá rồi không thể trì hoãn thêm được nữa nhưng tiền thì chị không vay được để cho anh mổ” – Sụt sùi, chị Dèn tâm sự trong sự thương cảm của những người bệnh cùng phòng.

Anh Thôn, chồng chị với tình trạng suy tim nặng nên gần như lúc nào cũng nằm bẹp, nghiêng mình để cố thở. Anh hiểu gia đình mình không thể vay thêm được tiền nên chấp nhận giục vợ cho về để sớm được gặp mặt con trước lúc đi xa. Nghẹn ngào, nhìn chúng tôi anh chỉ khóc chứ không nói được gì. Một câu xin được giúp đỡ có lẽ là những điều anh muốn nói lúc này nhưng yếu quá, anh cũng chẳng thể thốt ra được.
“Bệnh nhân là người dân tộc, có hoàn cảnh khó khăn nhưng chị Dèn hiểu biết và rất có ý thức muốn cứu sống chồng nên đã lặn lội về tận Hà Giang đi vay tiền cả làng, cả bản được tổng cộng 30 triệu mang lên đây. Ở trên viện, chị cũng không dám mua gì ăn dù suất cơm chỉ khoảng 10, 15 nghìn thôi vì còn tiết kiệm để tiền mua cho chồng hộp sữa”- Chị Nguyễn Thị Hạ, cán bộ phòng Công tác xã hội bệnh viện tâm sự với chúng tôi khi cùng xuống thăm bệnh nhân.

Cùng chung tâm trạng với chúng tôi, TS.BS Phạm Thị Tuyết Nga – Trưởng phòng C2, Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “ Bệnh nhân Thôn bị hở van động mạch chủ nhiều, hẹp van động mạch chủ nhẹ, hở van 2 lá nhiều, hở van 3 lá nhiều, nên có chỉ định mổ để thay 1 van động mạch chủ cộng với sửa van 2 lá, sửa van 3 lá. Tổng chi phí cho cuộc mổ giao động từ 80-120 triệu đồng sau khi đã trừ hết tất cả những khoản mà bảo hiểm sẽ chi trả. Hiện tại bệnh nhân đã suy tim rất nặng rồi nên chắc chắn phải mổ vì vậy mà chúng tôi tha thiết mong muốn được bạn đọc báo điện tử Dân trí giúp đỡ cho họ”.
Chứng kiến từng ngày chồng chống chọi với những cơn khó thở kéo dài, chị Dèn càng sốt ruột và lo sợ. Biết chắc chắn cho chồng về là không có lối thoát nhưng cùng đường rồi, chị chẳng thể bấu víu được vào ai. Chị bảo nhà có một con chó con chị cũng đã phải mang bán, giờ chẳng còn gì nữa. Đứa con trai duy nhất của chị thì liên tục gọi điện lên bảo mẹ phải cứu bố, ruột gan chị lại như có ai băm nát. Không biết làm sao, trước khi đi kí giấy xin cho chồng về, chị như ngã quỵ bởi cái chết của anh chị đã mường tượng sẵn trong đầu.

“Về là chết rồi em ơi, chị có lỗi với con chị vì không thể cứu được bố nó. Chị sẽ mất chồng mà chắc nó cũng giận chị lắm” – chị Dèn lại nức nở trước lúc nặng nề cất đôi chân bước đi về phía phòng bác sĩ điều trị. Chúng tôi hiểu đó là tương lai gần ngay đây thôi sẽ xảy đến với chị, người phụ nữ sẽ góa chồng với nỗi dằn vặt không biết làm thế nào để cứu sống chồng cho dù anh Thôn vẫn còn nhiều hi vọng.
- iOS 13 sẽ giúp người dùng iPhone ngủ ngon hơn (07.05.2019)
- Lương sinh viên mới ra trường tại Singapore gấp 6 lần Việt Nam (07.03.2019)
- Dân ủng hộ, mới là khởi đầu cho lộ trình cấm xe máy (04.03.2019)
- Kiểm toán Nhà nước: Sai phạm hàng nghìn tỷ đồng trong quản lý đất đai mỗi năm (15.02.2019)
- ATM thiếu tiền, không hoạt động dịp Tết, ngân hàng sẽ bị xử lý (30.01.2019)
- Công ty Trung Quốc dựng cả tháp tiền thưởng Tết nhân viên (28.01.2019)
- TPHCM khẳng định không thiếu vé xe về Tết (24.01.2019)
- TP HCM ứng hơn 2.000 tỷ đồng trả nợ nhà thầu tuyến Metro Số 1 (19.01.2019)
- Hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN thảo luận 5 vấn đề lớn (17.01.2019)
- Lợi nhuận trước thuế của MBB tăng 31% so với 2017 (13.01.2019)